Các địa phương ưu tiên phát triển nhiều lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chủ lực
Bắc Ninh đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có nhu cầu và lợi thế của tỉnh nhà; Hà Nội tập trung thúc đẩy quan hệ hợp tác liên kết các doanh nghiệp, tập đoàn, nhà sản xuất trên địa bàn Hà Nội, khu vực phía Bắc và cả nước; Hưng Yên đặt mục tiêu từng bước giam gia chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới.
Bắc Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 800 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ
Định hướng phát triển công nghiệp của Bắc Ninh đến năm 2030 trở thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao và định hướng đến năm 2045 là thành phố công nghiệp công nghệ cao, thông minh; thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ thông qua việc nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước; đẩy mạnh liên kết với các tỉnh có lợi thế phát triển công nghiệp như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương... nhằm đa dạng hoá chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp FDI trên địa bàn.
Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025, Bắc Ninh sẽ có khoảng 800 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó 70% doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất; chỉ số phát triển công nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ hàng năm tăng từ 8% - 9%; liên kết, xây dựng mạng lưới chuyên gia tư vấn, cải tiến doanh nghiệp trong và ngoài nước; mỗi năm tổ chức tư vấn, cải tiến cho từ 5-10 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn tham gia cung ứng cho Samsung và các doanh nghiệp FDI khác.
Vĩnh Phúc hướng tới cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng giá trị cao
Tỉnh Vĩnh Phúc hướng đến mục tiêu đưa công nghiệp hỗ trợ của tỉnh trở thành một mắt xích cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng giá trị cao trong dây chuyền sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế, tiến tới đẩy mạnh xuất khẩu.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Lĩnh vực linh kiện phụ tùng sẽ có trên 50 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có đủ điều kiện phát triển trở thành nhà cung cấp cấp 1, cấp 2 cho các hãng sản xuất sản phẩm ô tô, xe máy, điện, điện tử hoàn chỉnh và cung ứng một phần cho các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn hoặc xuất khẩu. Vĩnh Phúc phấn đấu có 10 doanh nghiệp trong nước sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có thể tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn kinh tế lớn, sản phẩm đạt các tiêu chuẩn quốc tế và tham gia được vào thị trường xuất khẩu.
Toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 240 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ hoặc có liên quan đến công nghiệp hỗ trợ, tập trung vào các nhóm ngành chủ yếu như công nghiệp cơ khí; ôtô, xe máy; dệt may; điện tử, tin học; vật liệu xây dựng. Đây là nền tảng cho các ngành công nghiệp phát triển theo hướng sử dụng công nghệ tiên tiến, có tính cạnh tranh cao.
Hà Nội nâng cao năng lực của các ngành sản xuất công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn
Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025 với mục tiêu là tăng cường thu hút đầu tư, nâng cao năng lực của các ngành sản xuất công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Hà Nội, tạo dựng và nâng cao năng lực hệ thống doanh nghiệp, góp phần hình thành hệ thống mạng lưới sản xuất, thúc đẩy quan hệ hợp tác liên kết của các doanh nghiệp được hỗ trợ với hệ thống các ngành công nghiệp, các doanh nghiệp lắp ráp, các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn Hà Nội, khu vực phía Bắc và cả nước cũng như từng bước xuất khẩu.
Theo đó, Hà Nội sẽ tập trung vào một số nội dung như: Tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; Tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; Tổ chức hội thảo xúc tiến thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; Hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ... Đồng thời, xây dựng Quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Hưng Yên: Công nghiệp hỗ trợ sẽ từng bước tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Tỉnh Hưng Yên ưu tiên những lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ được tỉnh ưu tiên phát triển gồm cơ khí chế tạo, thiết bị điện - điện tử, dệt may - da giày, sản xuất và lắp ráp xe ô tô, công nghiệp công nghệ cao. Theo đó, tỉnh Hưng Yên định hướng đến năm 2025, công nghiệp hỗ trợ sẽ trở thành ngành công nghiệp quan trọng của tỉnh, đủ năng lực sản xuất và cung cấp linh kiện, phụ tùng cho một số ngành công nghiệp trong nước; đến năm 2030, công nghiệp hỗ trợ sẽ từng bước tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới, cụ thể:
Đối với lĩnh vực cơ khí chế tạo: Đến năm 2025, tỉnh định hướng sản xuất khuôn mẫu, dập, đúc, đồ gá, gia công chính xác, chi tiết máy các loại và linh kiện, thiết bị máy động lực và máy nông nghiệp đạt sản lượng từ 500 - 600 nghìn sản phẩm các loại; thép chế tạo đạt khoảng 150 nghìn tấn sản phẩm các loại. Đến năm 2030, sản xuất linh kiện phụ tùng cơ khí kim loại đạt 1.000 - 1.200 nghìn sản phẩm và thép chế tạo đạt 250 - 300 tấn sản phẩm các loại.
Đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ dệt may: Đến năm 2025, sản xuất xơ, sợi các loại đạt 30 - 40 nghìn tấn; vải dệt các loại đạt 65 - 70 triệu m2. Đến năm 2030, sản xuất xơ, sợi đạt 55 - 60 nghìn tấn; vải dệt các loại đạt 100 - 115 triệu m2…
Đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ sản xuất và lắp ráp xe ô tô: Đến năm 2025, sản xuất động cơ và chi tiết động cơ ô tô đạt 1 triệu - 1,2 triệu sản phẩm các loại; khung, thân, vỏ, cửa xe đạt 7.500 - 8.500 sản phẩm…
Khánh Hòa dành 7.770 tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ
Căn cứ vào mục tiêu chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của Chính phủ và trên cơ sở những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và định hướng phát triển của ngành công nghiệp, Khánh Hòa xác định mục tiêu phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 sẽ tập trung vào các ngành mũi nhọn gồm cơ khí, dệt may-da giày, điện tử, thiết bị điện và công nghiệp công nghệ cao.
UBND tỉnh đã dành 7.770 tỷ đồng để thực hiện chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay đầu tư dài hạn, với lãi suất thấp để mua máy móc, thiết bị, công nghệ phục vụ sản xuất sản phẩm. Trong đó, kinh phí ngân sách địa phương 5,820 tỷ đồng; nguồn kinh phí đề xuất hỗ trợ từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của trung ương 1.950 tỷ đồng. Với nguồn kinh phí của địa phương, tỉnh sẽ thực hiện lồng ghép với các nguồn vốn từ chương trình khác như xúc tiến đầu tư, quỹ phát triển khoa học - công nghệ, khuyến công, xúc tiến thương mại. Đồng thời, thực hiện kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước, xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ...
Nguồn: Baochinhphu.vn