icon icon icon

18 phút hỗn loạn làm chao đảo thị trường kim loại toàn cầu

Đăng bởi CÔNG TY CỔ PHẦN CÔNG NGHỆ VẬT LIỆU METATECH vào lúc 16/03/2022

Trong vỏn vẹn 18 phút, giá nickel tăng dựng đứng từ hơn 50.000 USD lên 100.000 USD/tấn, khiến thị trường kim loại thế giới chao đảo.

5h42 phút sáng ngày 8/3, theo giờ London, thị trường nickel bắt đầu chao đảo. Theo Bloomberg, thông thường, vào thời điểm đó, các nhà giao dịch chỉ lướt qua bảng giá khi đang uống cafe trên đường tới văn phòng.

Nhưng ngày hôm đó, các nhà giao dịch kim loại dán mắt vào màn hình. Giá nickel thường chỉ biến động vài trăm USD/tấn mỗi ngày. Trong gần thập kỷ qua, giá bán của kim loại này dao động trong khoảng 10.000-20.000 USD/tấn.

Nhưng ngày 7/3, giá nickel đã tăng vọt 66% lên hơn 48.000 USD/tấn. Các nhà giao dịch dán mắt vào bảng giá với những cảm xúc trái ngược, từ bất ngờ đến sợ hãi.

Sau khi vượt qua mức đỉnh lịch sử vào 5h42 sáng 8/3, giá nickel tăng vọt thêm 30.000 USD/tấn chỉ sau vài phút. Lúc hơn 6h, giá chính thức vượt ngưỡng 100.000 USD/tấn và khiến mọi nhà đầu tư choáng váng.

           

Trong vỏn vẹn 18 phút, các nhà giao dịch choáng váng khi giá nickel tăng dựng đứng từ hơn 50.000 USD lên 100.000 USD/tấn. Ảnh: Bloomberg.

18 phút hỗn loạn

Đối với các nhà giao dịch hàng hóa, giá tăng không phải lúc nào cũng tốt. Những nhà khai thác, thương nhân và các công ty sản xuất thường sử dụng thị trường hàng hóa để bán khống, tức kiếm tiền khi giá giảm để cân bằng rủi ro.

Khi giá hàng hóa biến động mạnh, họ có thể bị ảnh hưởng bởi các yêu cầu ký quỹ, tức yêu cầu nộp thêm tiền để tiếp tục giao dịch.

Người đứng đầu một công ty môi giới kim loại tại London nhớ lại nỗi kinh hoàng khi theo dõi thị trường ngày hôm đó. "18 phút đó sẽ ám ảnh tôi mãi", vị giám đốc điều hành giấu tên nói với Bloomberg.

Giá nickel tăng đột biến 250% trong vòng chưa đầy 24 giờ. Đà tăng đã đẩy ngành kim loại vào tình trạng hỗn loạn, gây thiệt hại hàng tỷ USD cho các nhà giao dịch đặt cược ngược chiều và khiến Sàn giao dịch kim loại London (LME) phải ngừng giao dịch lần đầu tiên sau ba thập kỷ.

Bloomberg nhận định đây là sự gián đoạn ở quy mô thị trường, lần đầu tiên kể từ khi Nga đổ quân vào Ukraine. Tất cả nhấn mạnh mức độ ảnh hưởng khi một trong những nhà xuất khẩu tài nguyên lớn nhất thế giới bị loại bỏ khỏi thị trường.

Đà tăng vọt của giá nickel phần lớn được thúc đẩy bởi hoạt động "bán non" (short squeeze) của nhà tài phiệt Trung Quốc Xiang Guangda. Ông đã đặt cược rằng giá nickel sẽ giảm.

Hoạt động bán non xảy ra khi giá cổ phiếu hay hàng hoá (có nhiều vị thế bán) tăng lên rất mạnh, buộc nhiều người bán khống phải kết thúc vị thế bán của mình để cắt lỗ, và càng tạo thêm sức ép tăng giá cho cổ phiếu hay hàng hoá đó.

"Đây là lần biến động dữ dội nhất trên thị trường kim loại mà tôi từng thấy trong sự nghiệp của mình", ông Mark Hansen - Giám đốc điều hành của công ty giao dịch Concord Resources - nhận định.

Manh nha của đợt bán non này đã nhen nhóm vào năm ngoái, khi nickel - giống như mọi hàng hóa khác - bật dậy từ mức thấp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Nhưng ông Xiang không tin rằng đà tăng giá sẽ kéo dài. Thông qua công ty của mình, ông bắt đầu tăng vị thế bán trên LME.

Ông Xiang không phải một nhà đầu tư tài chính chỉ đặt cược "trên giấy". Nhà tài phiệt Trung Quốc cũng kinh doanh loại hàng hóa này. Công ty của ông bắt đầu với việc sản xuất khung cửa và cửa ôtô tại Ôn Châu, miền đông Trung Quốc.

Sau đó, vị doanh nhân sinh năm 1958 tiếp tục tiên phong trong các phương pháp mới để sản xuất nickel và thép không gỉ, đưa Tsingshan trở thành nhà sản xuất lớn nhất thế giới về cả hai mặt hàng này.

Theo những người thân quen với ông Xiang, ông đặt niềm tin tuyệt đối vào bản thân và không ngại đặt cược lớn dựa trên các phán đoán của mình.

Thị trường chao đảo

Câu hỏi đặt ra là vì sao ông Xiang bán khống nickel khi đang kinh doanh mặt hàng này. Ông Xiang muốn tăng đáng kể sản lượng của Tsingshan bằng cách sản xuất nickel mạ cho pin xe điện.

Theo nguồn tin của Bloomberg, công ty có kế hoạch sản xuất 850.000 tấn nickel trong năm nay, tăng 40% so với năm trước. Ông Xiang đặt niềm tin tuyệt đối vào kế hoạch này, bất chấp nhiều nhà quan sát lo ngại. Và theo ông, hậu quả của việc quá nhiều nickel tung ra thị trường là giá lao dốc.

Nhưng không phải ai cũng bi quan về giá nickel như ông Xiang. Một số quỹ đầu cơ đã giữ các vị thế mua nhằm đặt cược vào sự bùng nổ xe điện.

Dù vậy, hầu hết nhà phân tích đứng về phía ông Xiang, ít nhất là trong trung hạn. Bởi họ tin rằng sản lượng nickel - đến từ Tsingshan và các đối thủ cạnh tranh ở Indonesia - sẽ vượt nhu cầu của thị trường.

Nhưng mọi thứ thay đổi sau khi Nga đổ quân vào Ukraine. Nga là nhà sản xuất nickel lớn thứ ba thế giới và là nhà xuất khẩu nickel tinh luyện lớn nhất. Dù các lệnh trừng phạt kinh tế từ phương Tây không nhắm vào xuất khẩu nickel của Nga, các thương nhân Mỹ và châu Âu vẫn muốn tìm những lựa chọn thay thế.

Giá nickel tăng phi mã do xung đột Nga - Ukraine. Đó là cơn ác mộng đối với những nhà đầu tư bán khống như ông Xiang. Khi giá tăng cao, họ phải đối mặt với các cuộc gọi ký quỹ.

Trên thị trường hàng hóa, nhiều nhà sản xuất và thương nhân cũng muốn bán khống như một biện pháp phòng vệ, chống lại khả năng giá của mặt hàng họ nắm giữ lao dốc.

Tuy nhiên, không rõ ông Xiang coi các hợp đồng bán khống chỉ là những công cụ phòng vệ rủi ro, hay một cuộc đánh cược lớn.

               

Ông Matthew Chamberlain - Giám đốc điều hành của LME. Ảnh: Bloomberg.

Khi ngành công nghiệp nickel rơi vào khủng hoảng, LME đã triệu tập "ủy ban đặc biệt", một nhóm các chuyên gia về kim loại và pháp lý có quyền ban hành những quy tắc khẩn cấp cho thị trường.

Họ đã tổ chức một cuộc họp gấp vào tối 7/3, nhưng quyết định sau cùng vẫn cho phép thị trường nickel tiếp tục giao dịch.

Vào 1h sáng ngày 8/3, thị trường bắt đầu giao dịch. Ông Matthew Chamberlain - Giám đốc điều hành của LME - đã thức để theo dõi.

Ban đầu, mọi việc có vẻ êm xuôi, giá nickel dao động quanh mức 50.000 USD/tấn. Ông Chamberlain yên tâm đi ngủ. Nhưng ông bị đánh thức bởi một cuộc điện thoại lúc 5h30 sáng.

Thị trường nickel biến động mạnh. Tệ hơn nữa, sự hỗn loạn còn lan sang các thị trường khác. Giá kẽm tăng vọt 15% trong vài phút lên mức cao kỷ lục, rồi lại sụp đổ.

Ủy ban đặc biệt của LME đã tổ chức một cuộc họp gấp vào khoảng 6h sáng. Họ nhận ra rằng đã đến lúc phải tạm dừng giao dịch. Lúc 8h15 sáng, màn hình điện tử ngừng nhấp nháy, vài giờ trước khi phiên giao dịch trực tiếp bắt đầu.

Giá nickel đóng băng, dưới mức cao kỷ lục nhưng vẫn ở ngưỡng 80.000 USD/tấn. Ngay sau đó, ông Chamberlain và các giám đốc điều hành khác tại sàn giao dịch bắt đầu nhận được các cuộc điện thoại điên cuồng từ những nhà môi giới LME.

Tsingshan không phải công ty nickel duy nhất đang gặp khó khăn. Nhưng họ là công ty lớn nhất. Nhiều nhà sản xuất, nhà giao dịch và nhà đầu cơ mở vị thế bán trên LME đã phải đối mặt với các cuộc gọi ký quỹ lớn hơn nhiều lần so với mức họ chuẩn bị.

"Khi giá nickel vọt tới 100.000 USD, các vị có thể cảm nhận được mức độ thiệt hại, nhiều công ty bắt đầu đấu tranh để tiếp tục duy trì", ông John Browning tại công ty môi giới Bands Financial Ltd. bình luận.

Với mức giá hiện tại của nickel, bản thân các nhà môi giới sẽ không thể thanh toán lệnh ký quỹ. 4 hoặc 5 công ty môi giới là thành viên của LME rơi vào tình trạng mất thanh khoản. Đó là cú sốc có thể tàn phá ngành công nghiệp kim loại toàn cầu.

"Biến động giá vào ngày 8/3 đã tạo ra rủi ro hệ thống cho thị trường", LME bình luận. Sàn giao dịch bày tỏ sự "lo ngại nghiêm trọng về khả năng những người tham gia thị trường có thể đáp ứng các cuộc gọi ký quỹ, và điều này làm tăng nguy cơ vỡ nợ đáng kể".

LME đã đưa ra một quyết định gần như chưa từng có tiền lệ. Sàn giao dịch này đã hủy tất cả giao dịch diễn ra vào sáng 8/3, với quy mô khoảng 3,9 tỷ USD, theo tính toán của Bloomberg.

Quyết định hủy giao dịch sáng 8/3 đã đảo ngược thị trường. Nhưng ngay cả khi đã hủy giao dịch, khách hàng của các nhà môi giới LME cũng không trả được khoảng 500 triệu USD tiền ký quỹ liên quan đến các vị thế bán của họ.

Tsingshan chiếm khoảng một nửa số tiền đó. Và con số này chỉ là một phần của vị thế bán mà Tsingshan nắm giữ, ước tính khoảng 30.000 tấn được thực hiện trực tiếp trên LME.

Công ty còn mở vị thế bán thêm 120.000 tấn hoặc hơn nữa trong các giao dịch song phương với những ngân hàng như JPMorgan và Standard Chartered.

Quyết định của LME ngay lập tức bị phản đối. Các nhà đầu tư mở vị thế mua trong phiên hỗn loạn ngày 8/3 đã rất tức giận, trong đó có một số tên tuổi lớn trên Phố Wall.

Các giám đốc điều hành của Goldman Sachs Group bày tỏ sự không hài lòng trước quyết định hủy giao dịch của ông Chamberlain.

Các giám đốc điều hành tại Tower Research Capital - một trong những nhà tạo lập thị trường lâu đời nhất của Phố Wall - cho biết sẽ xem xét lại tư cách thành viên trên LME.

"Việc LME hủy bỏ giao dịch giữa người mua và người bán có thiện chí là điều không thể tha thứ", ông Mark Thompson - một cựu giao dịch viên tại Trafigura và Apollo - bày tỏ sự không hài lòng trên Twitter.

Một số nhà giao dịch bị ảnh hưởng đã chuẩn bị thực hiện các hành động pháp lý chống lại LME. Một số khác đưa ra kế hoạch từ bỏ hợp đồng nickel của LME. Động thái này có thể làm giảm tính thanh khoản của thị trường.

Nguồn: https://zingnews.vn/

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN: